HỘI NGHỊ LẦN THỨ 45 ĐẠI HỘI ĐỒNG CODEX QUỐC TẾ (CAC45)

Thứ sáu - 09/12/2022 09:39 132 0
Hội nghị lần thứ 45 Đại hội đồng Codex quốc tế được tổ chức từ ngày 21-25/11/2022 tại Trụ sở FAO (Rome, Ý).
CAC45
CAC45
Tham gia Hội nghị có khoảng 125 quốc gia thành viên và 89 tổ chức quan sát viên. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này gồm Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Chủ tịch Uỷ ban Codex Việt Nam - Trưởng đoàn; Cục An toàn thực phẩm; Văn phòng Uỷ ban Codex Việt Nam và các thành viên của Uỷ ban Codex Việt Nam.
          Tổng giám đốc FAO và WHO phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị.  Chủ tịch Ủy ban Codex quốc tế, ông Steven Werne phát biểu khai mạc và điều hành Hội nghị.
 Hội nghị đã thông qua chương trình nghị sự và thống nhất Hội nghị sẽ diễn ra trong 5 ngày liên tiếp từ ngày 21-25/11/2022.
Nội dung chính của Hội nghị:
Sau 2 năm dịch bệnh, năm nay phiên họp toàn thể Đại hội đồng Codex quốc tế lần thứ 45 (CAC 45) được tổ chức trực tiếp từ ngày 21-25/11/2022. Hội nghị sẽ thông qua báo cáo vào ngày 12-13/12/2022 dưới hình thức trực tuyến.
Tham dự Hội nghị lần này có hơn 750 đại biểu từ trên 135 quốc gia thành viên, 01 tổ chức thành viên và 89 tổ chức quan sát viên. Để đảm bảo an toàn, chỉ tối đa 3 đại diện của quốc gia thành viên  được phép có mặt trong phòng họp toàn thể, các đại biểu còn lại được bố trí tại phòng theo dõi dưới hình thức trực tuyến.
Hội nghị diễn ra trong 5 ngày liên tục, kết thúc 5 ngày thảo luận Hội nghị đã thống nhất một số nội dung như sau:
1. Về cơ cấu tổ chức của Ủy ban Codex quốc tế:
1.1. CAC45 nhất trí thông qua ban lãnh đạo của Ủy ban Codex quốc tế nhiệm kỳ 2023-2024 gồm:
Chủ tịch Ủy ban Codex quốc tế: Ông Steven Werne, Vương quốc Anh
Các Phó chủ tịch Ủy ban Codex quốc tế gồm các đại diện sau:
- New Zealand;
- Kenya;
- Chile.
1.2. Chỉ định các điều phối viên khu vực:
- Trung quốc, Uganda, Ecuador tiếp tục giữ vị trí là điều phối viên khu vực Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latin;
- Đức được giao nhiệm vụ là điều phối viên khu vực Châu âu thay cho Kazacstan (đã hết 2 nhiệm kỳ làm việc);
1.3. Các Ban kỹ thuật Codex quốc tế hiện đang còn hoạt động và quốc gia được giao nhiệm vụ chủ trì:
  • Codex Committee on Food Additives (CCFA)
Trung Quốc
  • Codex Committee on Food Hygiene (CCFH)
Hoa Kỳ
  • Codex Committee on Food Labelling (CCFL)
Canada
  • Codex Committee on Method of Analysis and Sampling (CCMAS)
Hungary
  • Codex Committee on General Principles (CCGP)
Pháp
  • Codex Committee on Pesticide residues (CCPR)
Trung Quốc
  • Codex Committee on Foods and Nutrition for special Dietary Uses (CCNFSDU)
Đức
  • Codex Committee on Fish and Fishery Products (CCFFP)
Na Uy
  • Codex Committee on Residues of Veterinary Drugs in foods (CCRVDF)
Hoa Kỳ
  • Codex Committee on Fresh Fruits and Vegetable (CCFFV)
Mexico
  • Codex Committee on Contaminants in Foods (CCCF)
Hà Lan
  • Codex Committee on Spices and Culinary Herbs (CCSCH)
Ấn Độ
2. Về nội dung chuyên môn kỹ thuật
CAC 45 đã xem xét và thông qua các dự thảo của 8 Ban kỹ thuật Codex quốc tế như sau:
2.1. Ban kỹ thuật Codex quốc tế về Dầu mỡ động vật và thực vật:
- Dự thảo soát xét Tiêu chuẩn Dầu thực vật (thành phần thiết yếu của Dầu hạt hướng dương-CXS 210-1999);
- Sửa đổi Quy phạm thực hành Bảo quản và vận chuyển Dầu mỡ thực phẩm với khối lượng lớn – CXC 36-1987);
- Hai dự án công việc mới:
Bổ sung thêm Dầu hạt Chè, Dầu ăn Sacha, Dầu đậu nành có hàm lượng axit oleic cao vào tiêu chuẩn CXS 210-1999;
+ Bổ sung thêm Dầu loài Canalus vào tiêu chuẩn đối với Dầu cá (CXS 329-2017);
2.2. Ban kỹ thuật Codex quốc tế về Dinh dưỡng và thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt:
Dự thảo Hướng dẫn sản phẩm thực phẩm đặc biệt ăn liền dành cho trẻ suy dinh dưỡng nặng ở độ tuổi từ 6-59 tháng tuổi.
2.3. Ban kỹ thuật Codex quốc tế về vệ sinh thực phẩm
- Dự thảo hướng dẫn quản lý bùng phát dịch bệnh do vi sinh vật qua nguồn thực phẩm;
- Phần soát xét Hệ thống phân tích mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu (HACCP-CAC-RCP-1-1969);
2.4. Ban kỹ thuật Codex quốc tế về rau và quả tươi:
- Dự thảo tiêu chuẩn Codex đối với hành lá;
- Dự thảo tiêu chuẩn Codex đối với quả mọng;
- Dự thảo tiêu chuẩn Codex đối với quả chà là tươi;
- Sửa đổi Tiêu chuẩn Codex đối với chuối quả tươi;
- Dự án công việc mới về xây dựng 02 tiêu chuẩn Codex đối với trái quýt Nam mỹ và lá cà ry tươi.
2.5. Ban kỹ thuật Codex quốc tế về chất ô nhiễm trong thực phẩm
- Quy phạm thực hành phòng ngừa và giảm thiểu sự nhiễm Cadmium vào hạt ca cao;
- Mức tối đa cho phép Cadmium trong bột ca cao (100% ca cao rắn): 2mg/kg
- Mức tối đa cho phép Cadmium trong sản phẩm sô cô la có chứa ca cao rắn <30% : 0.3mg/kg
- Mức tối đa cho phép Cadmium trong sản phẩm sô cô la có chứa hàm lượng ca cao rắn trong khoảng 30-50%: 0,7mg/kg;
- Mức tối đa Chì (Pb) trong các nhóm thực phẩm trong đó có sản phẩm thực phẩm từ ngũ cốc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: 0,02mg/kg;
- Mức tối đa Chì (Pb) trong các nhóm thực phẩm đường trắng, đường tinh luyện, siro ngô, siro phong, mật ong, kẹo từ đường: 0,1mg/kg;
- Mức tối đa Metyl thủy ngân trong cá tráp cam và cá chồn hồng lần lượt là: 0,8mg/kg và 1mg/kg;
- Mức tối đa Aflatoxin trong sản phẩm ngũ cốc và sản phẩm từ ngũ cốc nói chung và sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: do Aflatoxin là một chất ô nhiễm có khả năng gây ung thư và việc giảm hàm lượng Aflatoxin trong các nhóm thực phẩm là một mục tiêu quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, do đó CAC 45 nhất trí với việc CCCF và JECFA sẽ đánh giá 3 năm một lần khi có đầy đủ các dữ liệu khoa học về khả năng ô nhiễm Aflatoxin trong các nhóm thực phẩm cụ thể.
2.6. Ban kỹ thuật Codex quốc tế về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm:
- Hướng dẫn công nhận các hoạt chất bảo vệ thực vật hoặc cho phép sử dụng các hoạt chất BVTV có mối nguy thấp đối với sức khỏe mà không cần quy định mức giới hạn tối đa;
- Các mức giới hạn tối đa đối với 36 hoạt chất bảo vệ thực vật trong một số nhóm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi;
- Hủy bỏ một số điều khoản mức sử dụng đối với 18 hoạt chất bảo vệ thực vật trong một số nhóm sản phẩm thực phẩm cụ thể;
2.7. Ban kỹ thuật Codex quốc tế về Gia vị và thảo mộc:
- Dự thảo tiêu chuẩn đối với các phần hoa nghệ tây;
- Dự thảo tiêu chuẩn đối với hạt nhục đậu khấu sấy khô;
- Dự thảo tiêu chuẩn đối với ớt bột và hạt tiêu bột;
2.8. Ban kỹ thuật Codex quốc tế về Dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm:
Liên quan đến nội dung thông qua MRLs ở bước 4 đối với hoạt chất thuốc thú y Zilpaterol, Hội nghị đã dành hẳn 1 ngày để thảo luận và tìm cách tiếp cận sao cho đạt được sự đồng thuận của các quốc gia về vấn đề này.
Đoàn Việt Nam trước khi tham dự Hội nghị, Bộ Y tế (Cục ATTP) đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT (bộ chủ quản chịu trách nhiệm quản lý thuốc thú y) và các Bộ ngành liên quan để lấy ý kiến về vấn đề này, trước khi phiên họp diễn ra Cục An toàn thực phẩm đã mời đại diện các Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan tham dự cuộc họp trực tiếp để lấy ý kiến để chuẩn bị cho quan điểm của Việt Nam tại Hội nghị CAC45 về vấn đề này.
Sau 1 ngày thảo luận, do không đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên, Chủ tịch Ủy ban Codex quốc tế đã quyết định bỏ phiếu theo đúng quy chế hoạt động của Codex quốc tế. Sau khi bỏ phiếu, Hội nghị với số phiếu tán thành việc thông qua MRLs ở bước 4 và chuyển lên bước 5 đối với Zilpaterol chiếm hơn 2/3. Do đó CAC 45 thống nhất thông qua MRLs đối với Zilpaterol ở bước 4 và chuyển lên bước 5.
Hội nghị tiếp tục bỏ phiếu lần 2 với mục đích sẽ xem xét và thông qua MRLs ở bước 8 tại Phiên họp toàn thể lần thứ 46 (năm 2023), tuy nhiên với số phiếu tán thành thấp hơn 2/3, CAC 45 nhất trí giữ lại MRLs đối với Zilpaterol ở bước 5 và sẽ xem xét tiếp tại hội nghị lần thứ 46 Đại hội đồng Codex quốc tế (2023).
3. Hoạt động của đoàn Việt Nam:
- Tham dự đầy đủ theo nội dung chương trình Hội nghị;
- Đã có buổi gặp mặt với đoàn Hàn quốc và trao đổi với Hàn quốc về việc cùng Hoa Kỳ và Canada xem xét và kiến nghị với EU về việc áp mức giới hạn Etylen dioxid quá thấp sẽ có thể gây cản trở tới thương mại;
- Gặp gỡ và trao đổi với đoàn Úc về việc xây dựng nguyên tắc và hướng dẫn đối với hoạt động đánh giá và sử dụng chương trình đánh giá do bên thứ 3 thực hiện, cùng với đề xuất nội dung liên quan đến phòng kiểm nghiệm trọng tài.
- Đã có buổi gặp và trao đổi với Đoàn đại biểu Hoa kỳ về quan điểm đối với việc thông qua MRLs của Zilpaterol ở bước 4 và chuyển lên bước 5.
4. Các nội dung khác:
4.1. Các nội dung do các Ban kỹ thuật Codex đề xuất:
- Soát xét tiêu chuẩn Codex đối với Kim chi (CXS 223-2001);
- Sửa đổi tiêu chuẩn chung Codex đối với nước quả và nectar quả (CXS 247-2005);
- Soát xét tiêu chuẩn Codex đối với chất béo sữa (CXS 280-1973);
- Dự án công việc mới xây dựng Các nguyên tắc và hướng dẫn sử dụng công cụ kiểm tra và đánh giá từ xa trong khuôn khổ pháp lý;
4.2. Chương trình chiến lược của Codex 2020-2025:
Hội nghị đã thảo luận và xem xét báo cáo khảo sát giai đoạn đầu năm 2022 về việc áp dụng và tác động của các tiêu chuẩn Codex đối với các quốc gia. Mục đích của việc khảo sát là để kiểm tra về hiệu quả và khả năng sử dụng các tiêu chuẩn Codex và tác động của chúng. CÁc văn bản Codex được lựa chọn để phục vụ cho hoạt động khảo sát này gồm:
- Tiêu chuẩn chung Codex về chất ô nhiễm và độc tố trong thực phẩm (CXS 193-2019);
- Các nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm (CXC 1-2020);
- Tiêu chuẩn chung Codex về ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn (CXS 108-2018);
- Các nguyên tắc chung về bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu (2015).
Sau khảo sát giai đoạn đầu, nhìn chung các quốc gia thành viên đều hài lòng với việc có thể tiếp cận các tiêu chuẩn Codex, việc sử dụng các tiêu chuẩn Codex đều mang lại những hiệu quả nhất định trong công tác quản lý và đảm bảo an toàn thực phẩm ở cấp quốc gia.
4.3. Tài chính và ngân sách của Codex
Hội nghị xem xét nguồn ngân sách của Codex chủ yếu được các quốc gia đóng góp hàng năm và phần lớn nguồn ngân sách này được sử dụng cho hoạt động của các tổ chức chuyên gia độc lập của FAO/WHO nhằm đánh giá nguy cơ phục vụ cho yêu cầu về cung cấp tư vấn khoa học cho các ban kỹ thuật Codex.
Một phần ngân sách để hỗ trợ nâng cao nhận thức về Codex cho các quốc gia mới đăng ký tham gia là thành viên Codex quốc tế.
4.4. Kỷ niệm 60 năm thành lập Ủy ban Codex quốc tế:
Ủy ban Codex quốc tế được thành lập năm 1963 do FAO và WHO đồng sáng lập mới mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế về thực phẩm. Năm 2023 là năm kỷ niệm 60 năm thành lập Ủy ban Codex quốc tế, đánh dấu 60 năm xây dựng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế, phản ánh được những thành tựu quan trọng mà Codex đã đạt được trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Dự kiến Hội nghị lần thứ 46 Đại hội đồng Codex quốc tế sẽ được tổ chức trực tiếp vào năm 2023 tại trụ sở FAO (Rome-Ý). Ban thư ký Codex quốc tế sẽ có những hướng dẫn cụ thể để các quốc gia thành viên có các hoạt động hưởng ứng ngày lễ kỷ niệm quan trọng này.
Các thông tin chi tiết sẽ được Ban thư ký thông báo cụ thể tới các quốc gia thành viên.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ngõ 135 phố Núi Trúc – Quận Ba Đình - Hà Nội
Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam  Tel:  84 4 38464489 (7030)
  E.mail: vncodexoffice@gmail.com
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây